Sau hai năm theo học tại Đại Học Syracuse, tiểu bang New York, Hoa Kỳ, và tốt nghiệp với bằng Cao Học về Thư Viện Học (Master of Library Science = MLS), Lâm Vĩnh-Thế, tác giả của cuốn hồi ký này, một Giáo sư Trung học chuyển sang công tác trong ngành thư viện, đã trở về Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), và được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Hội Thư Viện Việt Nam (HTVVN), vị Chủ Tịch đầu tiên của Hội được đào tạo tại Hoa Kỳ.
Sau đó tác giả cũng đã được cử nhiệm làm Giáo sư Trưởng ban của Ban Thư Viện Học (đầu tiên của VNCH), thuộc Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Viện Đại Học Vạn Hạnh. Cùng với các thân hữu và đồng nghiệp trong Ban Chấp Hành HTVVN, tác giả đã giúp cho ngành thư viện của VNCH đạt được những bước phát triển rất tốt đẹp cho đến ngày 30-4-1975 khi Miền Nam sụp đổ. Kế tiếp đó, tác giả đã trải qua 6 năm dài trong khốn cùng, tuyệt vọng, với những mất mát lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần. Với sự bảo trợ của người anh ruột, tác giả đã rời Việt Nam đi định cư tại Canada vào cuối tháng 9-1981. Ông bắt đầu làm lại cuộc sống cho gia đình và xây dựng lại sự nghiệp từ số không. Trong 25 năm, từ 1981 cho đến 2006, ông đã có những đóng góp có giá trị cho Canada, đất nước dung thân, cũng như cho cộng đồng thư viện của Bắc Mỹ. Sau khi nghĩ hưu vào tháng 7-2006, ông đã được Viện Đại Học Saskatchewan của Canada ban tặng danh hiệu Librarian Emeritus. Vào đầu thập niên 1990, trước sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống Cộng sản tại Liên Xô và các nước Đông Âu, Việt Nam bị bắt buộc phải thay đổi, áp dụng Chính sách “Đổi Mới” theo hướng kinh tế thị trường, và lên tiếng kêu gọi giới trí thức Việt Nam tại hải ngoại trở về để góp phần xây dựng lại đất nước. Tác giả và nhóm thân hữu, những cựu thành viên của Ban Chấp Hành HTVVN nhiệm kỳ 1974-1975, đã đáp ứng lời kêu gọi này. Một lần nữa, họ chung sức giúp đở cộng đồng thư viên Việt Nam thực hiện một chương trình tiêu chuẩn hóa các hoạt động của hệ thống thư viện. Họ đã chuyển dịch sang Việt ngữ các tiêu chuẩn căn bản về thư viện – thông tin của Bắc Mỹ, như Bộ Quy tắc Biên mục Anh-Mỹ, Ấn Bản 2 (Anglo-American Cataloging Rules, Second Edition = AACR2) và Khổ Mẫu MARC (MAchine-Readable Cataloging). Họ đã tổ chức các khóa huấn luyện cho các quản thủ thư viện – biên mục viên Việt Nam thực hiện công tác biên mục tự động hóa bằng máy vi tính. Họ cũng đã giúp đở các thư viện công cộng, đại học và khảo cứu thiết kế và thực hiện các Thư Mục Trực Tuyến (Online Public Access Catalog = OPAC) giúp cho việc truy tầm tài liệu đạt hiệu quả cao. Nói tóm lại, họ đã thật sự làm tròn được trách nhiệm mà cộng đồng thư viện Việt Nam đã tin tường và giao phó cho Ban Chấp Hành của HTVVN trong nhiệm kỳ 1974-1975.
Reviews
There are no reviews yet.