Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nghệ thuật xây dựng tác phẩm trong “Giáo sĩ” – Ban Mai

Ban Mai

Nghệ thuật xây dựng tác phẩm trong “Giáo sĩ”

Nghiên cứu quá trình sáng tác của Trần Vũ, người đọc dễ dàng nhận thấy sự bứt phá ngoạn mục trong từng tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một bứt phá. Từ tác phẩm đầu tiên Ðồng cỏ Miên đến Giáo sĩ là một cuộc chạy đua tiếp sức. Chứng tỏ, Trần Vũ là một nhà văn cầu tiến luôn ý thức tự làm mới mình. Có lẽ Trần Vũ là một trong những nhà văn có chủ ý rõ ràng đem hành động vào truyện ngắn Việt Nam. Xem truyện ông, người đọc bị hớp hồn vào không khí đầy hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị với hình ảnh bất ngờ, rõ từng động tác, các nhân vật trong truyện giống như các tài tử đang diễn trong phim. Vận tốc truyện nhanh, hình ảnh luôn thay đổi, thời gian xáo trộn liên tục. Có khi chỉ trong vài dòng tác giả đã xáo trộn thời gian, không gian như một vòng xoáy, làm người đọc không kịp thở. Trong khi đó, truyện ngắn Việt Nam bình thường có nhịp độ chậm, và gần như rất ít hành động.

Trần Vũ thường kết hợp lối viết tương phản trong cùng một tác phẩm tạo ra những trạng thái bất ngờ, gây tâm lý mới lạ cho người đọc, đẩy người đọc đến tận cùng cảm xúc. Lắm lúc, tác giả vừa nâng tâm hồn người đọc lên chín từng mây, tâm trạng còn đang chơi vơi, tiếp liền tức khắc dìm người đọc xuống chín tầng địa ngục.

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy lối viết tương phản như vậy trong Giáo sĩ, trường đoạn miêu tả nhân vật Tuyết trước và sau khi xuất hiện: đoạn đầu là những hình ảnh thần tiên như phim thần thoại vào một buổi sáng đẹp trời: “…Buổi sáng đó, buổi sáng có những khúc lụa bay chậm rãi trong giấc ngủ thiu thiu, De Rhodes có cảm giác một làn sương sớm tinh khiết thơm cây trái đang phả suốt hầm. Hương hoa mỗi lúc một tỏa ngát đậm đặc. Cha Cố tỉnh ngủ hẳn. Ông nhìn trân trối đóa hồng đỏ gắt đang mọc nhú từ từ, trổ từ bức tường lâu năm ám khói, thứ hồng đỏ gắt rực rỡ Nhật Tân mà có lần De Rhodes đã trông thấy ở xứ bảo hộ Bắc Kỳ. Cha Cố kinh ngạc không hiểu vì sao khóm hồng đỏ lịm đã có thể đâm xuyên thủng trần hầm thư viện. Nhưng rõ ràng các đài hoa đang nứt rạn vách đá. Trong một phút, ngôi huyệt cổ đơm chi chít mẫu đơn, glaieul và hồng tía, tựa nhà thờ sắp có lễ giao. De Rhodes lấy tay phủi mây để nhìn cho rõ và ông chết cứng khi ấy, khi tay hãy còn nắm níu những cọng mây đang trôi lơ lửng”.

Tiếp theo sau là một không khí âm u, rờn rợn, như những thước phim ma gây cảm giác rùng rợn, kinh dị nơi người đọc.

“Mỗi tối Tuyết dọn ăn trong phòng riêng của Cha Cố. Tuyết hay hầm chuột sốt vang với mận Tây Bắc, ngâm với lá nguyệt quế, có khi băm nhỏ chục vắt tươi với hành sống tưới mật trộn sữa làm gỏi, những món Cha Cố rất thích. (…) Các nấc thang gỗ cổ xưa vang những tiếng rên như giam hãm những linh hồn khẩn khoản van nài trên mỗi bậc thang càng làm nàng sợ hãi. Cha Cố đã kể nhà thờ Cao Bằng xây bằng những viên gạch đã có từ lâu lắm, từ những thành lũy của Mạc Ðăng Dung, mỗi thỏi gạch đều chứa mang âm hồn An-nam tắm máu chiến tranh và máu người. Tuyết cố gắng đi thật nhanh lên nóc chuông nhưng những bậc thang trơn trợt nhấp nhô rung chuyển tựa có những bàn tay vô hình cứ nắm chắc lấy cổ chân nàng.”

Ðặc điểm của Trần Vũ thích mô tả các trạng thái tình cảm con người đến mức cực đại, ông thường sử dụng những từ cực tả như: cực kích thích, cực ham muốn; cực kỳ thỏa mãn; chết sững, chết cứng. Màu sắc dưới mắt Trần Vũ, cũng mang một tâm trạng dữ dội: đỏ gắt, đỏ một màu huyết dụ, xanh hực, sắc xanh hực gai góc. Trần Vũ thích “hình ảnh hóa cảm xúc tình cảm”, tạo ấn tượng mạnh nơi người đọc, nhiều lúc đẩy đến mức cực đoan. Ðể diễn tả sự say mê sáng tạo nghệ thuật của giáo sĩ, Trần Vũ miêu tả: “…De Rhodes viết đêm ngày, trăng lên trăng xuống ông không hay, mưa bão ông không hề biết, viết đến rách giấy, viết đến thủng bàn gỗ cẩm lai khiến ý văn tung tóe, chảy lai láng trên mặt đất. Thậm chí bình mực đã cạn giáo sĩ vẫn tiếp tục chấm, tiếp tục viết đến lúc ngòi bút cùn vẹt, cán bút lụn dần rồi biến mất mà mực vẫn cứ tiếp tục trào ra chảy ở đầu ngón tay ông sưng đỏ như quả ớt”. Ðể tỏ tấm lòng trong sáng của Nhất Linh, Trần Vũ đẩy lên thành một cái chết mang ý nghĩa tượng trưng đẹp vô vàn: “Tuyết đã bàng hoàng trông thấy cơn mưa sáng gai góc sắc buốt nhểu xuống khu vườn lan rũ úa bên suối Ða Mê, đã sửng sốt chứng kiến Nhất Linh già đi, ốm yếu, uống từng giọt độc dược đắng, đen, như những giọt mực anh đã dùng viết tiểu thuyết. Nhất Linh đã uống cạn ve thuốc độc như muốn nuốt trôi hết tất cả chữ nghĩa đã viết.” Những giọt mực viết nên tác phẩm cũng chính là những giọt độc dược giết chết tác giả. Cái chết của Nhất Linh là cái chết “sinh nghề tử nghiệp” mà ngàn sau người đời vẫn còn kính phục.

Chính những hình ảnh đẩy đến mức phóng đại của Trần Vũ đã tạo ra những tình tiết nghệ thuật mang tính siêu thực theo kiểu kỹ xảo điện toán của điện ảnh rất phù hợp với trường phái văn học hiện thực huyền ảo. Ngôn ngữ gây sốc, kết hợp với đề tài nhạy cảm, chắc chắn tác giả Trần Vũ đã dự phóng tác phẩm của mình sẽ gặp nhiều phản ứng nơi người đọc. Và dĩ nhiên, người đọc với trình độ khác nhau, tầm đón nhận cũng sẽ khác nhau. Với lối viết mang tính ước lệ cao, người đọc sẽ thỏa sức tưởng tượng theo trường liên tưởng của riêng mình, tạo sự hấp dẫn, thích thú nơi người đọc “lý tưởng”. Tuy nhiên, cũng chính lối viết “tài hoa” ấy đã gây ra nhiều ngộ nhận nơi độc giả.

Trong tiểu luận: Lịch sử tiểu thuyết – một tùy tiện ý thức, Trần Vũ từng nêu rõ quan điểm của mình: “Tiểu thuyết không nhất thiết phải viết y chang như thật, có thể pha trộn nửa thật nửa ảo và có quyền phóng đại thực tế lên đến mức… tiểu thuyết. Kỹ thuật chính của bút pháp hiện thực huyền ảo nằm ngay trong phương thức phóng đại từng chi tiết nhỏ nhặt này.”

Một lần nữa, Trần Vũ ở hải ngoại đã cùng với Nguyễn Huy Thiệp (Kiếm sắc, Vàng lửaPhẩm tiết) , Phạm Thị Hoài (Thiên sứ), Tạ Duy Anh (Thiên thần sám hối), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế)… tạo thêm cú sốc cho người đọc về mặt tiếp nhận tác phẩm, điều này góp phần làm thay đổi cách đọc của người Việt trước những đề tài và bút pháp lạ lẫm so với quan niệm truyền thống.

Trần Vũ

Bao giờ cũng vậy, cái trái ngược nào cũng gây nhiều phản ứng. Chính những nhà văn tài năng này đã góp phần hình thành nên một cách tiếp nhận mới trong tiến trình tiếp nhận văn học ở Việt Nam.

Trần Vũ viết với một ý thức sáng tạo rõ rệt, ông đặt trọng tâm vào kỹ thuật kể cả giọng văn và cốt truyện, trong khi viết ông luôn dựa trên hư cấu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh cũng nhận định: “Kỹ thuật là bận tâm của người viết, vì người đọc chỉ muốn thưởng thức cái được viết ra, câu chuyện!… Như vậy, kỹ thuật tiểu thuyết trở nên quan trọng, là cái riêng của mỗi tác giả, trong cách kể, cách viết, trong không khí mà tác phẩm tạo nên được!”

Chính kỹ thuật viết làm nên “căn cước” của tác giả.

Nếu nhà văn Nguyễn Mộng Giác dùng lối viết chân phương, cổ điển, văn phong mềm mại, câu văn dài, diễn biến truyện chậm, dàn trải, thời gian, không gian tịnh tiến, xây dựng tác phẩm dựa trên nền hiện thực thì Trần Vũ hoàn toàn trái ngược.

Trần Vũ thường sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo, ngôn ngữ lạnh và ác, câu văn ngắn, dứt khoát. Diễn biến truyện nhanh. Thời gian, không gian xáo trộn liên tục, xây dựng tác phẩm hoàn toàn hư cấu.

Tiểu thuyết của Trần Vũ là một bước thừa kế và tổng hợp văn hóa Ðông-Tây, đặc biệt Trần Vũ đã thành công khi đem kỹ xảo điện ảnh vào tác phẩm của mình – tạo thành một bút pháp kỳ ảo, pha trộn màu sắc “phim kiếm hiệp” của Tàu và “phim hành động, kinh dị” phương Tây. Ông là nhà văn Việt Nam tiên phong trong lối viết hiện thực huyền ảo.

Tuy nhiên, theo tôi “kỹ xảo” nào cùng có hai mặt của nó. Giống như con dao hai lưỡi, nhà văn tài năng sẽ nâng lên thành nghệ thuật, nhưng nếu chưa đúng tầm cỡ tác phẩm sẽ trở thành sản phẩm “rẻ tiền”. Không phải bất cứ người viết nào cũng làm chủ ngòi bút của mình để sai khiến chữ nghĩa một cách mê hoặc người đọc được như vậy. Trần Vũ là một trong số ít nhà văn đạt được tầm cỡ đó.

Trong tư cách nhà văn, Trần Vũ kiêu hãnh cho trí tưởng tượng phong phú của mình tự do tung hoành. Ðọc truyện ông, người đọc luôn bắt gặp những trường đoạn sảng khoái, điều mà ít nhà văn có được bởi những giới hạn vô hình.

Trên con đường hình thành và phát triển tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, Trần Vũ là một trong những cánh chim lạ, tự vạch cho mình một lối đi riêng đầy ý thức sáng tạo. Tác phẩm của ông đã có những thành công nhất định về phương diện cách tân trong bút pháp. Chỉ riêng Giáo sĩ, Trần Vũ xứng đáng có vị trí trang trọng trong lịch sử phát triển tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.

Ban Mai
(Tóm lược trong chuyên luận “Trần Vũ và Giáo sĩ trong thế giới huyền ảo”)

Leave a comment