Description
Hành trình của Tạp Chí VĂN & VĂN Số cuối cùng trước tháng 4/1975
Do Thư Quán Bản Thảo của Trần Hoài Thư khôi phục.
Bán nguyệt san Văn ra số đầu tiên vào ngày 1.1.1964 với chủ đề “Tuyển tập thơ văn”.
Số cuối cùng phát hành ở Sài Gòn mang tên Giai phẩm Văn có phần đặc biệt : “Văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại”.
Trong giai đoạn đầu, Văn do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm, thư ký tòa soạn Trần Phong Giao, năm 1972, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thay Trần Phong Giao trong vai trò thư ký toà soạn. Một năm sau, 1973, Mai Thảo về Văn cùng với Nguyễn Xuân Hoàng trông coi Văn. Năm 1974, do nhu cầu đời sống, Nguyễn Xuân Hoàng rời Văn, một mình Mai Thảo làm tiếp đến 30.4.1975.
Đến năm 1982, nhà văn Mai Thảo cho tục bản tạp chí Văn tại Mỹ. Năm 1996, sau số 158&159 tháng 1&2, 1996, do tình trạng sức khoẻ, Mai Thảo trao tạp chí Văn lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng làm chủ bút. Tháng 9, 1996, Nguyễn Xuân Hoàng ra tờ Văn số 161 cho đến Văn số 163 tháng 12, 1996. Đầu năm 1997, Nguyễn Xuân Hoàng ra Văn số 1, bộ mới. Năm 2008, tờ Văn số 125-129 cho tháng Giêng, Hai và Ba 2008 số đặc biệt về hoạ sĩ Thái Tuấn [tranh Đinh Cường] và bài vở đã tập trung lay out chuẩn bị đưa nhà in, nhưng vì lý do tài chánh và nhiều việc ngoài lề khác, Nguyễn Xuân Hoàng đành cho đình bản tờ Văn.
Một vài ghi nhận của Nguyễn Chí Kham
Số 1 Văn ra mắt đầu Xuân năm 1964. Số báo ra mắt qui tụ rất nhiều nhà văn nổi tiếng miền Nam qua các thế hệ, và đã bán hết số lượng phát hành ngay trong tuần lễ đầu. Độc giả đón nhận hết sức nồng nhiệt, nhất là giới sinh viên, học sinh.
Số 2, bắt đầu bình thường với số trang hơn một trăm. Số 2, tưởng niệm nhà văn Pháp Albert Camus. Trong số này, có một bài viết quan trọng của Jean Paul Sartre: Cắt nghĩa cuốn L’étranger (L’explication de l’étranger). Bài này, được ông Nguyễn Minh Hoàng dịch và chú giải đầy đủ. Hai truyện ngắn rất đặc sắc rút trong tập Lưu Đày và Quê Nhà. Truyện thứ nhất, Người khách trọ (L’hôte) Trần Phong Giao dịch, truyện thứ nhì Người đàn bà ngoại tình (La femme adultère) Vũ Đình Lưu dịch. Giáo sư Nguyễn văn Trung dạy trường Đại Học Văn Khoa viết bài Những tình bạn dang dở, trong bài này, giáo sư nói đến sự liên hệ rồi đoạn giao giữa Jean Paul Sartre với Albert Camus và Merleau Ponty. Một bài tiểu luận khác nữa rất sâu sắc của một nhà phê bình Pháp có tựa: Camus, kẻ đánh cá với cuộc đời.
…
Khi đảm nhận tờ Văn, anh Trần Phong Giao chủ trương dành cho lớp độc giả hiếu học ham đọc, ưa suy nghĩ. Rồi lần lượt, mỗi kỳ nửa tháng, những số tiếp nhau ra đều đặn và báo Văn luôn được độc giả đón nhận. Ở miền Trung, số lượng phát hành khá lớn đến 4000 số, mỗi gia đình công chức cũng đã chọn hai tờ Văn và Bách Khoa làm món ăn tinh thần hàng tháng trong gia đình. Đọc Văn, yêu thích thơ văn. Đọc Bách Khoa, mở mang thêm kiến thức tổng quát.
Số 6, tuyển tập những cây bút trẻ. Nói là trẻ ở đây, thực ra, các nhà văn ở lứa tuổi trên ba mươi cũng đã thành danh. Trong số này, nhiều truyện ngắn hay: Duyên Anh, Con Sáo Của Em Tôi. Lê Tất Điều, Vùng Đất Khô. Thế Uyên, Vấn Đề, đặc biệt một truyện vừa rất đặc sắc Hồi Chuông Tắt Lửa của Thế Nguyên. Truyện chiếm gần 42 trang báo in chữ véronèse thân 8. Nội dung rất đơn giản, chuyện kể một vị linh mục có đứa con hoang, nhưng cách kể chuyện kín đáo, bí mật, bằng một bút pháp lạnh, xám, đầy dục tính trong cơn mưa và bóng tối.
Số 14, tưởng niệm văn hào Nhất Linh trong ngày giỗ đầu. Số báo đặc biệt này đã gây xúc động cho văn giới và toàn thể độc giả qua những bài viết của Bác Sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn Vũ Khắc Khoan, nhà thơ Vũ Hoàng Chương, và hồi ký Người Bác của nhà văn Thế Uyên là người cháu gọi Nhất Linh bằng cậu.
Số 17, giới thiệu nhà văn triết gia Jean Paul Sartre với sự đóng góp những bài tiểu luận và phiên dịch của giáo sư Trần Thiện Đạo, nhà văn Huỳnh Phan Anh, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.
Số 18, đề tài chiến tranh trong văn chương.
Số 20, giới thiệu nhà văn phi công Pháp Saint Exupéry.
Chỉ mới qua một năm đầu vớ 24 số báo, tạp chí Văn đã tạo được uy tín và sự tin cậy cho lớp độc giả trung lưu, trí thức. Sự xuất hiện của Văn cũng còn được coi là đại diện cho văn học miền Nam, trên từng số báo này, mỗi năm càng có nhiều sự đóng góp lớn những tên tuổi làm nên văn học miền Nam. Quy tụ ở đây có đủ các nhà văn ba miền Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ, Vũ Bằng, Lê văn Trương, Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến, Linh mục Thanh Lãng, giáo sư Nguyễn Văn Trung, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Vĩnh Lộc, Văn Quang, Phan Du, Võ Hồng, Đặng Tiến, Trần Thiện Đạo, Tô Thùy Yên, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Minh Hoàng, Vũ Đình Lưu, Nguyễn Đình Toàn, Tuấn Huy, Viên Linh, Đỗ Quí Toàn, Phạm Công Thiện, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Nam, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Mộng Giác, Tạ Ký, Trần Dzạ Từ… Về các nhà văn nữ, có Túy Hồng, Nhã Ca, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Nhận định của nhà thơ Du Tử Lê:
“Tại miền Nam, sau giai đoạn mở đường, gieo những hạt mầm văn học vạm vỡ của các tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Văn Nghệ, Thế Kỷ 20…, là giai đoạn trồng, gặt những mùa gặt văn học sung mãn, bội thu, với các tạp chí Bách Khoa, Văn Học và Văn (tính từ thời điểm đầu thập niên 1960 tới tháng 4 năm 1975)”.
Nhà nghiên cứu lý luận Vương Trí Nhàn đã có cái nhìn rất trung thực và xác đáng:
“Sự chia sẻ của chúng tôi với văn học đô thị miền Nam còn là ở hai điểm. Thứ nhất sự chi chút gia tài văn học quá khứ. Không có các anh trong ấy bao năm gìn giữ, Hàn Mặc Tử chẳng hạn, rồi Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương không thể trọn vẹn như ngày nay. Thứ hai, sự tiếp nhận văn học nước ngoài từ các lý thuyết văn học tới các tác giả cụ thể. Các tạp chí ở Sài Gòn đã làm công việc này một cách tự nhiên và cuộc hội nhập với thế giới mà các bạn trẻ đầu thế kỷ XXI này đang làm là tiếp tục đi theo cái mạch đó”.
Và: “…nó mở ra cho chúng tôi một chân trời mới về kiến thức văn học và thức dậy những ham hố phiêu lưu”.
“Có lẽ thế và còn hơn thế, vai trò của tạp chí Văn cũng như các tạp chí văn học nghệ thuật khác ở Miền Nam những năm trước 1975 trong việc gìn giữ và tạo dựng nên một nền văn học phong phú và đa dạng cần được nhìn nhận một cách chính đáng trong kho tàng văn học chung của một Việt Nam thống nhất.”
Có thể nói chỉ trong hai mươi năm hiện diện, chế độ Miền Nam đã có những thành tựu rực rỡ, nhất là về mặt văn học với những tạp chí và tác phẩm lừng danh. Xét riêng về các tạp chí văn chương, nếu như Sáng Tạo đã làm công cuộc khai phá, gieo những hạt mầm vạm vỡ (chữ của Du Tử Lê) đầu tiên, thì Văn và Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật, Thời Tập… đã gieo trồng và có những mùa gặt bội thu. Điều này Miền Bắc đã không làm được. Và đây chính là niềm hãnh diện và tự hào của tất cả chúng ta.
==>
Chỉ trong vòng 10 năm hiện diện -từ tháng 1.1964 đến tháng 3. 1975, tạp chí Văn đã quy tụ và làm sáng giá hàng trăm cây bút trẻ, gồm những người vừa cầm bút vừa cầm súng trên khắp Miền Nam. Theo nhà văn Lưu Vân viết trên báo mạng Da Màu, thì “những người viết trẻ miền Nam thủa ấy, khi có bài được chọn đăng trên tạp chí Văn là có thể coi như đã khẳng định được mình, bởi chỉ có ở tạp chí Văn mới có một Ban tuyển đọc tác phẩm (có lẽ là ba nhà thơ hay nhà văn thành viên) đọc và chọn đăng các sáng tác của rất đông những người viết gửi về cộng tác.”
Về tên tuổi của đông đảo các tác giả trẻ này, nhà văn Nguyễn Chí Kham ghi nhận:
“Từ tỉnh đầu giới tuyến đến Sài Gòn, đến miền Đông, miền Tây đã có:
– Quảng Trị: Phan Phụng Thạch, Thạch Nhân, Sương Biên Thùy
– Huế: Trần Doãn Nho, Hồ Minh Dũng, Trần Dzạ Lữ, Lê Bá Lăng, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Lữ Quỳnh, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Hoàng Hạ Lan, Hoàng Ngọc Tuấn, Huỳnh Hữu Ủy, Lê Nhược Thủy, Yên My, Trần yên Du, Trần Đình Sơn Cước, Võ Quê.
– Đà Nẵng: Nguyễn Nho Sa Mạc, Chu Trầm Nguyên Minh, Phương Tấn, Luân Hoán, Thành Tôn, Hà Thúc Sinh.
– Hội An: Thái Tú Hạp, Đinh Trầm Ca, Hoàng Thị Bích Ni.
– Tam Kỳ: Huy Tưởng, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Hoài Thư.
– Quảng Ngãi: Hà Nguyên Thạch, Mê Cung, Phan Nhự Thức, Vương Thanh.
– Qui Nhơn: Trần Phiên Ngung, Đặng Tấn Tới, Võ Chân Cửu.
– Tuy Hòa: Nguyễn Lệ Uyên, Trần Huyền Ân, Hoàng Đình Huy Quan, Mang Viên Long, Cảnh Cửu.
– Nha Trang: Phạm Chu Sa, Văn Lệ Thiên.
– Phan Rang: (không nhớ)
– Phan Thiết: Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Thị Ngọc Minh.
– Pleiku: Kim Tuấn, Lâm Hảo Dũng.”
Thật ra, tạp chí Văn không chỉ là nơi xuất hiện và tinh luyện ngòi bút của lớp nhà văn trẻ, mà cả những nhà văn đã thành danh từ tạp chí Sáng Tạo cũng nhờ diễn đàn này mà trở nên hiển lộng. Ta có thể kể ra đây một số tên tuổi: Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp nhờ có văn mà trở nên sáng giá và được nhiều người đọc, yêu mến. Điều này dễ hiểu: Thời Sáng Tạo, các tỉnh Miền Nam chưa có Trung Học Đệ Nhị Cấp thì lấy ai thưởng thức văn học mới, hiện sinh. Đúng như Nguyễn Chí Kham nhận định: “Tạp chí Văn đã xuất hiện đúng lúc, đáp ứng nhu cầu độc giả học sinh, sinh viên. Vào thời điểm của Văn, hầu hết các tỉnh lớn nhỏ ở miền Nam đã bắt đầu có trường trung học Đệ Nhị Cấp, Huế và Đà Lạt còn có thêm trường Đại Học nên số độc giả tăng và giá trị văn chương được xét đoán đúng tầm mức của nó.”
Với tạp chí Văn, một thời đại văn học đã qua và còn ghi dấu. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhà thơ Vũ Trọng Quang nhìn lại tờ Văn số cuối cùng trước tháng 4. 1975. Bài viết hết sức đặc sắc, cho ta cái nhìn về một số tác giả thời báo Văn và cả sau này, do đó tỏa ra nỗi ngậm ngùi sâu lắng. Xin mời đọc bài của Vũ Trọng Quang:
“Tôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.
Với số lượng tạp chí nhiều như thế, sẽ không điểm hết, nên tôi chọn số phát hành 26/3/1975 (tạp chí này không có số thứ tự, vì thời điểm ấy chế độ miền Nam, chỉ cho xuất bản Giai Phẩm), trước để biết dấu ấn về tọa độ thời gian, sau tò mò xem các tác giả bày tỏ gì trong ấy; đây là số cuối cùng mà Văn đã bị làm xong nhiệm vụ lịch sử. Bìa 1 trình bày toàn chữ rất đơn giản rõ ràng, màu thời gian tác động lên bìa sách chữ còn chữ mất, chữ đỏ phần đặc biệt Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Ở Hải Ngoại khiêm nhường, không biết cố ý phong cách hay dự báo vội vã.
Nơi bìa trang 2 ghi: Sáng lập: NGUYỄN ĐÌNH VƯỢNG; Chủ trương: MAI THẢO; Quản lý: NGUYỄN THỊ TUẤN (lúc này nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thôi làm thư ký tòa soạn ). Ở phần mục lục: Phần Đặc Biệt về Văn Học Nghệ Thuật VN ở Hải Ngoại: Phỏng vấn giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, nữ ký giả Minh Đức Hoài Trinh, nữ sỹ Mộng Tuyết, họa sỹ Trần Đình Thụy; Phần Văn Xuôi có văn của Mai Thảo, Võ Phiến, Trùng Dương, K.T. Mohamed, Lê Huy Oanh, Mường Mán; Phần Thơ có thơ của Nh. Tay Ngàn, Bùi Đức Long, Trần Hồng Châu, Ngô Cang, Tạ Hiền (tôi chú ý tới tay viết mới này); và các phần Sinh hoạt văn nghệ, Hộp thư, Ấn phẩm mới. Ở phần văn xuôi là Nhật Ký của Mai Thảo ghi mềm mại những sự việc từ 15.2.75 đến 20.3.75, đọc lại vẫn bùi ngùi, bút pháp đằm thắm đầy lãng mạn, xin trích phần cuối của nhật ký “…
Đêm vẫn còn là nhiều so với thời kỳ giới nghiêm sau Tết Mậu Thân. Hệ thống kẽm gai cấm đường ném chi chít trên những mặt nhựa Sài Gòn hồi đó từ 6 giờ chiều. Phố xá vắng ngắt lúc chưa tàn nắng…”. Còn Võ Phiến tiếp tục loạt bài Chúng Ta Qua Tiếng Nói với tiêu đề Tiếng Nói, Một Phương Tiện? Võ Phiến bao giờ cũng vậy, kỹ lưỡng, câu chữ chắc chắn chi tiết chắt lọc; nhà văn Trùng Dương có truyện ngắn Ngoài Bãi, bây giờ nữ văn sỹ đã ở ngoài bãi bên kia Thái Bình Dương; nhà văn Ấn Độ K.T. Mohamed với truyện ngắn Đôi Mắt Mùa Xuân do nhà thơ Hoàng Trúc Ly chuyển ngữ; nhà văn Lê Huy Oanh nhận định Bùi Giáng Nguồn Cảm Hứng trong Thơ Việt (sau khi đã nhận định hai cõi thơ Nguyên Sa và Nhã Ca): “Bùi Giáng đập phá bằng cách đùa cợt những tư tưởng cổ truyền, bằng cách đùa cợt chính ông, bằng cách bôi lem thơ, làm xô lệch ngôn ngữ…”; và truyện ngắn Mùa Sẽ Còn Dài của “nhà văn trẻ ” Mường Mán, bây giờ nhà văn không còn trẻ nữa ấy vẫn tiếp tục cầm bút lại cầm thêm cọ vẽ kiêm chủ quán món Huế tại Phú Nhuận. Ở Phần Thơ thì khởi đầu là thơ của Nh. Tay Ngàn trải những bài thơ tự do dài viết ở Paris, vẫn ám ảnh hình bóng Liên Mà thương quá em Liên, năm 1988 Phạm Công Thiện viết cuốn Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất nói bạn tôi ( tức Nh. Tay Ngàn) mất tháng 1/1978 tại Paris, bây giờ sau 33 năm Thiện cũng ra đi khỏi trần ai, không biết có “Đi cho hết một đêm hoang trên mặt đất” tại thế để vào cõi khác không? Có thể rời Ngày Sanh Của Rắn tiến hóa ngự trên mình Rồng vu vi vào cõi vô thường thời gian không? Ngày 8/3/2011 Phạm Công Thiện đi, tôi có mấy dòng:
Tự nhận thiên tài độc nhất của Việt Nam
không ai cạnh tranh
dám giao cấu mặt trời thủ dâm thượng đế
đám đông mở toang cánh cửa háo hức đứng nhìn
đập vỡ đôi kính cận thầy mô phạm khoa bảng
đọc Heidegger bằng máu và nước mắt
ta bà qua sông tìm vô ngã
bảy mươi mốt tuổi trẻ không về
bởi đó Phạm Công Thiện
(Thi Vũ cũng cho biết Tay Ngàn mất vào tháng năm ấy, có làm bài thơ tiễn: Tay Ngàn/Khua nhịp về đâu/Rừng thiêng vỡ một/ngấn/sầu/rụng/hai/Nay theo bước nhỏ còn ai/Ta hơ tro cũ/tay dài dìu em, không biết nơi vô cùng Ngàn có ngàn trùng đi tìm Nỗi Liên đen tối vô cùng không?). Kế đến là mười câu thơ lục bát của Bùi Đức Long, bài thơ này sau được tác giả chọn vào tập thơ in riêng; còn Trần Hồng Châu là một bài tự do dài đầy nhịp điệu liên kết với thơ vần, mang dáng dấp cổ phong Em đi đến uyển chuyển mộng vân đài; với Ngô Cang (nhà thơ gốc Huế, hiện nay đang lận đận sinh kế) cũng mười câu lục bát; và sau hết là một giọng thơ mới TẠ HIỀN, giới thiệu sáu bài thơ tự do, tôi rất thích và đồng ý với nhận định lời mở rất trân trọng của nhà văn Mai Thảo dành cho người viết mới: Những người trẻ tuổi bắt đầu làm thơ nên bắt đầu ngay bằng thơ tự do. Nghĩa là một bắt đầu mạnh bạo, đường hoàng, ở ngoài mọi kiến trúc tiền chế, hay là do tôi làm thơ tự do nên đồng cảm, bây giờ không biết Tạ Hiền ở đâu…
Phần Sinh hoạt văn nghệ: Thông tin Trùng Dương viết truyện phim; triển lãm tranh Đinh Cường tại Viện Văn Hóa Pháp Sài Gòn; đề cập đến cuốn Quần Đảo Gulag của nhà văn Nga Solzenitsyn bị trục xuất khỏi đất nước mình, và hồi ký của tướng độc nhãn Do Thái Moshe Dayan hồi ức chiến thắng cuộc chiến 6 ngày tại Trung Đông tháng 6-1967 cùng thất bại chua chát của Do Thái trong cuộc chiến 10-1967; tường thuật việc Duyên Anh, Hoài Bắc, Mai Thảo ra Đà Nẵng; giới thiệu đêm nhạc và thơ tại Cần Thơ. Phần Hộp thư, chú ý thấy dòng trả lời bạn mình “Trần Hữu Dũng: sẽ đăng một phần”, nhưng cái gọi một phần ấy không bao giờ xuất hiện, vì sau cái ngày cuối tháng 4/75 tạp chí Văn không hiện hữu, mới đây hỏi Trần Hữu Dũng có giữ bài thơ làm kỷ niệm chăng? Dũng nói mất rồi; ngược lên trên thấy câu trả lời “Trần Hoài Thư: Nhận được báo và nhuận bút rồi chứ? Mùa Luân Lạc đã tới”, nhưng luân lạc tới đâu rồi hở Trần Hoài Thư? Trong Phần giới thiệu Ấn Phẩm Mới thấy có giới thiệu Tập san văn nghệ Vỡ Đất do hai nhà thơ Nguyễn Thái Dương và Ban Bội Bỗng chủ trương, số 2 và đương nhiên là số cuối cùng, với sự góp mặt của nhiều tên tuổi : Trần Hoài Thư, Lương Thái Sỹ, Mang Viên Long, Đặng Tấn Tới, Mịch La Phong…Giới thiệu Vỡ Đất chợt nhớ ở mục Ấn Phẩm Mới số tháng 3/1973 có giới thiệu: ” THƠ VŨ TRỌNG, thơ của Vũ Trọng Quang, Văn Nghệ Động Đất xuất bản, sách in roneo dày 50 trang, không ghi giá”, nghĩ hồi ấy mình hồn nhiên sáo ngữ và sáo rỗng, lấy tên xuất bản cho kêu, giờ bàng hoàng thảm họa động đất sóng thần vừa qua ở đất nước mặt trời, khủng khiếp quá. Và ủa lạ vậy? tại sao chỉ có Thơ Vũ Trọng mà thiếu chữ Quang, không biết do người phụ trách sơ sót viết thiếu hay do thợ sắp chữ sắp đặt lơ đễnh lơ là, thấy cũng vui vui.
Từ giai phẩm Văn trước tháng 4/1975 tôi lại lan man chuyện nọ xọ chuyện kia suy nghĩ hội tụ về hiện tại, dòng sông thời gian có thể dài dòng thời gian vật lý tích tắc, kéo theo dòng chảy chuyển biến lịch sử, nhớ câu thơ của Chinh Yên “Cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ”; có những việc không tưởng tượng nổi trục trái đất chao đảo trong vũ trụ giật mình, thảm họa tại Nhật Bản;văng vẳng câu nói của Jean Paul Sartre: “Trước cái đói của trẻ em Phi Châu, cuốn Buồn Nôn của tôi vô nghĩa”; trước sự việc địa chấn chấn động thế kỷ, những dòng này hạt cát nhỏ bé, rất vô cùng nhỏ bé.” Vũ Trọng Quang
Xin hết.
Nguồn: Hợp Lưu
Reviews
There are no reviews yet.