Skip to content Skip to footer

Tác Giả

Trung tướng Ngô Quang Trưởng được xem là người hùng Quảng Trị khi đánh bật quân Cộng sản và tái chiếm Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ông tốt nghiệp Khóa 4 Liên trường Võ khoa Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức năm 1954, ra trường được bổ nhiệm đại đội trưởng đại đội 1, Tiểu đoàn 5 Nhảy dù. Năm 1955, ông tham gia cuộc tiễu trừ lực lượng Bình Xuyên và được đặc cách thăng cấp trung úy tại mặt trận. Năm 1963, ông thăng cấp đại úy. Năm 1964, ông thăng cấp thiếu tá và được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Cùng năm 1964, Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù do ông chỉ huy trực thăng vận nhảy vào mật khu Đỗ Xá, thuộc quận Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, phá vỡ căn cứ địa của Bộ Tư lệnh Mặt Trận B1 của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tịch thu 160 súng đủ loại. Năm 1965, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do ông chỉ huy trực thăng vận nhảy vào mật khu Hắc Dịch, thuộc vùng núi ông Trinh, tỉnh Phước Tuy Bà Rịa, căn cứ của Công Trường 7 của Cộng sản Bắc Việt. Sau hai ngày chạm súng và gây thiệt hại nặng cho hai Trung Đoàn Q762 và Q762 thuộc Công Trường 7, ông được đặc cách thăng cấp trung tá tại mặt trận và được tưởng thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Năm 1965 sau trận Hắc Dịch, ông được bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù.

Đến cuối năm 1965, Trung tá Ngô Quang Trưởng được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù. Năm 1966, sau biến cố bạo động miền Trung, ông được bổ nhiệm tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, dưới quyền chỉ huy của tư lệnh Quân đoàn I là thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm. Năm 1967, các đơn vị thuộc Sư đoàn 1 Bộ Binh do ông chỉ huy, gồm Đại Đội Hắc Báo Trinh Sát, cùng Chi Đoàn 2/7 Thiết Vận Xa M-113, tăng phái Tiểu Đoàn 9 Nhảy dù do Thiếu tá Nguyễn Thế Nhã chỉ huy, tấn công và phá vỡ hạ tầng cơ sở và toàn bộ lực lượng du kích địa phương thuộc mặt trận Lương Cổ, Đồng Xuyên, Mỹ Xá thuộc quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sau trận này ông thăng cấp chuẩn tướng. Năm 1968, các đơn vị thuộc Sư đoàn 1 Bộ Binh do ông chỉ huy, tăng phái Chiến Đoàn I Nhảy Dù gồm các Tiểu Đoàn 2, 7 và 9 Nhảy Dù do Trung tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy, đã phòng thủ thành công tại Huế trong 26 ngày từ 30 tháng 1 đến 24 tháng 2 năm 1968. Các đơn vị này đẩy lui các đơn vị xung kích của Quân Giải phóng miền Nam, gồm Đoàn 5 các Tiểu Đoàn K4A, K4B, Tiểu đoàn 12 đặc công nội thành, Thành Đoàn Huế, Đoàn 6 gồm các Tiểu Đoàn K41, K6, Tiểu đoàn 13 đặc công nội thành Huế, các Đại đội đặc công 15, 16, 17, 18, tăng cường một đại đội súng phòng không 37 ly, hai đại đội du kích quận Hương Trà, Phong Điền, hai đại đội biệt nội thành Huế, và hai Tiểu Đoàn 416, 418 thuộc Đoàn Cù Chính Lan tức Đoàn 9. Tướng Trưởng và các đơn vị của ông đã giữ vững Huế và gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị tấn công Huế. Sau trận Mậu Thân ông được đặc cách thăng cấp Thiếu tướng và được bổ nhiệm chức vụ tư lệnh Quân đoàn IV, Quân khu IV. Năm 1970 ông được thăng cấp trung tướng.

Hai năm sau khi Cộng sản mở cuộc chiến mùa hè đỏ lửa, lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Quân khu I đã bị nhiều tổn thất. Tướng Ngô Quang Trưởng được điều động vào chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I thay thế tướng Hoàng Xuân Lãm.

Quân khu I được tăng cường toàn bộ lực lượng tổng trừ bị của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và được sự yểm trợ tầm xa bởi Hạm đội 7 Hoa Kỳ, đẩy lui và tái chiếm Thành cổ Quảng Trị và tất cả các phần đất bị chiếm phía Nam sông Mỹ Chánh, gây nhiều thiệt hại cho các đơn vị Cộng sản Bắc Việt và quân Giải phóng miền Nam. Đại tướng Norman Schwarkopf của Hoa Kỳ trong cuốn hồi ký viết vào năm 1992 đã ca tụng tướng Trưởng như một anh hùng trong trận đánh tại thung lũng Ia-Drang.

Sau năm 1975, ông di tản sang Hoa Kỳ và sống cùng với gia đình tại vùng tiểu bang Virginia ngay bên cạnh thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ông từ chối tiếp xúc với bất cứ ai, từ chối không trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí về những ngày cuối cùng, và không xuất hiện ở những chỗ đông người, nhưng luôn luôn được các cựu chiến sĩ kính trọng vì được mệnh danh là một trong 4 vị tướng thanh liêm trong sạch, qua câu “Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng”…

Contact Form

    Leave a comment